Skip to main content
alt

Đề thi môn Công nghệ nhiều câu hỏi hay

GDVN- GV đánh giá đề thi thoát ly khỏi những bài toán lý thuyết khô khan, mà tạo ra kết nối mạnh mẽ giúp học sinh nhận ra giá trị ứng dụng của kiến thức đã học.

Đánh giá về đề thi môn Công nghệ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) chia sẻ: Đề thi gồm 2 phần chính, bao gồm phần I với 24 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn; và phần II với 4 câu trắc nghiệm lựa chọn đúng/sai. Đây đều là các câu hỏi tình huống thực tiễn, bám sát với cấu trúc đề thi và đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Nội dung đề thi có phạm vi kiến thức rất rộng, bao quát nhiều chủ đề của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Công nghệ (Công nghiệp), không chỉ tập trung ở lớp 12 mà còn có kiến thức của lớp 10, lớp 11.

Về độ phân hóa qua mức độ nhận thức, ở mức Nhận biết - Thông hiểu (chiếm khoảng 65-70%), các câu hỏi ở phần I và một số ý ở phần II khá cơ bản, tập trung vào việc nhớ, hiểu khái niệm, nhận diện ký hiệu, công thức. Học sinh nắm vững kiến thức sách giáo khoa có thể dễ dàng đạt được khoảng từ 6.0 đến 7.0 điểm. Đây là mức điểm phổ thông.

 

Ở mức Vận dụng (khoảng 30-35%), các câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải biết tính toán (chọn dây dẫn, aptomat, thông số mạch điện), phân tích hoạt động của mạch, logic của hệ thống. Đây là các câu hỏi dùng để phân loại học sinh khá, giỏi. Nội dung này tập trung nhiều ở phần II, nơi mỗi câu hỏi là một bài toán tích hợp nhiều kiến thức. Ví dụ, để giải quyết trọn vẹn câu 3 - phần II, học sinh cần biết tính công suất, tính dòng điện, chọn dây dẫn, chọn aptomat.

0b89eedc5633e16db822-6794.jpg
Thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Về độ phân hóa qua dạng câu hỏi, phần I là dạng câu hỏi quen thuộc, giúp học sinh nhanh chóng ghi điểm nếu nắm chắc kiến thức. Tại phần II, dạng đúng/sai trong một bối cảnh chung yêu cầu tư duy logic, cẩn thận và sâu sắc hơn. Việc mắc sai lầm ở một ý nhỏ có thể ảnh hưởng đến tổng điểm của cả câu. Ví dụ, tính sai công suất ở ý (a) có thể dẫn đến tính sai dòng điện và chọn sai aptomat ở các ý sau. Dạng câu hỏi này có khả năng phân loại học sinh rất tốt, đặc biệt là phân loại giữa học sinh khá và giỏi.

Xét về độ phân hóa qua phạm vi kiến thức, việc đề thi trải rộng kiến thức cả lớp 10, 11 và 12 cũng là một hình thức phân hóa. Học sinh chỉ tập trung ôn kiến thức lớp 12 sẽ gặp khó khăn hơn với các câu hỏi về vẽ kĩ thuật, hệ thống trên động cơ, hệ thống truyền lực ô tô,...

Đồng thời, thầy Trang Minh Thiên cũng dự đoán mức điểm 6.5–7.5 sẽ phổ biến nhất do học sinh trung bình khá hoàn toàn làm được phần lớn câu hỏi cơ bản. Học sinh khá, giỏi có thể đạt 8.0–9.0 nếu nắm vững kỹ năng giải quyết các câu mạch điện và logic. Điểm 10 tuyệt đối sẽ không nhiều vì đề có độ “gài” nhẹ ở một số chi tiết nhỏ (sai số, công thức, suy luận).

Cụ thể, ở mã đề 0625, những câu dễ "ăn điểm" là câu 1, 2, 4, 5, 6, 7, 13, 15, 19, 20, 21, 23, 24. Đây đều là kiến thức cơ bản, học sinh chỉ cần học thuộc, nhận diện đúng là làm được. Những nội dung này đã có ví dụ minh hoạ cụ thể trong sách giáo khoa.

Câu đòi hỏi tư duy, dễ sai là các câu 3, 8, 12, 16, 17, 22 yêu cầu học sinh vận dụng công thức điện xoay chiều, mạch ba pha, khuếch đại thuật toán, logic tổ hợp.

Tại phần II, câu 1, 2, 3 đòi hỏi học sinh phải phân tích sơ đồ, tính toán giá trị dòng điện, đánh giá giải pháp của bạn học. Như vậy, nội dung này bắt đầu mang tính “mở” và đánh giá năng lực rất tốt.

Bất ngờ thú vị còn nằm ở câu 3 và 4 của phần II - mang hơi hướng đánh giá năng lực phản biện, sáng tạo qua cách học sinh đưa ra quan điểm về thiết kế mạch điều khiển thực tế. Đây là câu hỏi mang đậm tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018: tích hợp kiến thức kỹ thuật điện, cảm biến, điều khiển logic, mạch báo động. Tất cả gắn với bài học STEM về mô hình báo động an ninh thông minh.

thi-thpt2-25-29-8638.jpg
Ảnh minh họa: Lã Tiến.
 

"Câu hỏi mà tôi tâm đắc nhất trong toàn bộ đề thi này là câu 3, câu 4 của phần II – bài toán thực tiễn trong gia đình. Đây không chỉ là một câu hỏi khó, mà nó còn là một câu hỏi hay và xuất sắc về mặt thiết kế. Câu hỏi này đã thoát ly hoàn toàn khỏi những bài toán lý thuyết khô khan. Nó đặt học sinh vào vai một người kỹ sư điện gia dụng hoặc một chủ nhà có hiểu biết, phải đối mặt với một vấn đề vô cùng thực tế: thiết kế và đảm bảo an toàn cho hệ thống điện trong chính ngôi nhà của mình. Từ bóng đèn, máy bơm, điều hòa cho đến aptomat, công tắc, dây dẫn,..., tất cả đều là những thứ các em thấy và sử dụng hàng ngày. Điều này tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, giúp học sinh nhận ra giá trị ứng dụng của kiến thức đã học.

Câu 4 tích hợp kiến thức công nghệ điện tử, cảm biến, điều khiển logic, mạch báo động. Tất cả gắn với bài học STEM về mô hình báo động an ninh thông minh. Học sinh cần hiểu đúng tín hiệu cảm biến (xử lí tín hiệu X1, X2), nhận diện loại cổng logic được dùng, và phản biện giải pháp nhóm bạn. Qua đó thể hiện tư duy giải quyết vấn đề. Đây là hai câu hỏi mang đậm tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành", thầy Thiên bày tỏ.

Đây không chỉ là một sự thay đổi nhỏ, mà là một bước ngoặt căn bản trong cách kiểm tra, đánh giá môn Công nghệ. So với đề minh họa, đề thi này đã hiện thực hóa một cách xuất sắc tinh thần đổi mới. Đó là chú trọng đến năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn qua phần II, đặc biệt là các mạch báo động, sơ đồ bếp, phân tích hệ thống điện thực tế.

Bên cạnh đó, thầy Thiên cũng kỳ vọng đề thi các năm tới giữ vững cấu trúc như năm nay: kết hợp tốt giữa kiến thức cơ bản với câu hỏi thực tiễn có chiều sâu và nên tăng cường câu hỏi thiết kế mở, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tư duy sáng tạo. Việc tăng nhẹ các câu hỏi mở hoặc đánh giá sáng tạo (nếu có thể) sẽ khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo của học sinh trong quá trình học.

Lưu Diễm (Báo Giáo dục Việt Nam)

Liên hệ

Khoa Sư phạm Kỹ thuật là đơn vị đầu ngành đào tạo giáo viên Sư phạm Công nghệ trên cả nước. Tới năm 2024, Khoa là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước có CTĐT Sư phạm Công nghệ được kiểm định và đạt chuẩn kiểm định.

  • Địa chỉ: 136, Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
  • Điện thoại: 024.3754.4994 | 0916.524.425
  • k.spkt@hnue.edu.vn

Về chúng tôi

Khoa Sư phạm Kỹ thuật, với truyền thống 53 năm hình thành và phát triển, là cơ sở đầu ngành đào tạo giáo viên Công nghệ - giáo dục STEM, đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Kĩ thuật Công nghiệp. Khoa là đối tác tin cậy với các trường phổ thông trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm kỹ thuật, trải nghiệm STEM, bồi dưỡng chuyên môn Công nghệ và STEM cho giáo viên phổ thông.