Skip to main content

Khóa 20 (1970-1974)

Giới thiệu chung

  • Tên lớp: K20A
  • Tên khóa: K20 Kĩ thuật công nghiệp
  • Chủ nhiệm khoa: Thầy Nguyễn Đức Thanh 

    alt
    Thầy Nguyễn Đức Thanh, Trưởng khoa (nhiệm kỳ 1970-1974)
  • Ban cán sự lớp:
Lớp trưởng Lớp phó Bí thư
  • Danh sách lớp:

TT

Họ và tên

Cơ quan công tác trước khi nghỉ hưu

1 Nguyễn Thị Loan Khoa SPKT, Trường ĐHSPHN
2 Hoàng Minh Tác Khoa SPKT, Trường ĐHSPHN
3 Nguyễn Kim Thành Khoa SPKT, Trường ĐHSPHN
4 Nguyễn Thị Vân Khoa SPKT, Trường ĐHSPHN
5    
6    
7    
8    
9    
10    
11    
12    
13    
14    
15    
16    
17    
18    
19    
20    
21    
22    
23    
24    
25    
26    
27    
28    
29    
30    
  • Chúng tôi viết về chúng tôi:

          Hè 1970, Ty giáo dục Bắc Thái (Sau này mới gọi là Sở giáo dục) cử tôi và anh Vi Quốc Dũng đi thi để học Đại học, Khoa Kỹ thuật công nghiệp (KTCN) thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội II (không phải là Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sau này ở Xuân Hoà mà là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tách ra: Khối Xã hội là trường I, khối Tự nhiên là trường II do thầy Nguyễn Cảnh Toàn làm Hiệu trưởng và khối Ngoại ngữ là trường III trong chiến tranh chống Mỹ).

          Hai chúng tôi cũng như tất cả mọi người đều chưa biết và không hiểu giáo viên Kỹ thuật công nghiệp là giáo viên như thế nào? Phân vân không biết có thi hay không nhưng đây là cơ hội để đi học Đại học, có thể không có dịp khác và còn phải thi cơ mà, biết có đỗ hay không. Chúng tôi bàn nhau sẽ đi thi và nếu đỗ thì xin về học Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc vì cả hai đầu đã là giáo viên toán cấp II.

          Cả hai đều có giấy báo đỗ, chưa đến ngày tập trung, chúng tôi đã đến Trường ở Cầu Giấy xin về Việt Bắc học toán. Bác Bách ở phòng Tổ chức, phụ trách quản lí sinh viên xem đơn đề nghị của chúng tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:

          Anh Dũng, người dân tộc Tày, quê Lạng Sơn, vợ con đang sống ở Thái Nguyên, tôi đồng ý; còn anh, Bác bảo tôi: Anh người Kinh, quê dưới xuôi lên công tác Việt Bắc, vợ con lại chưa có thì không được, ở đây học thôi. Tôi cố nằn nì xin nhưng vẫn không được.

          Khoảng tháng 10/1970 về Trường để học nhưng tôi vẫn nghĩ cách xin chuyển sang Khoa Toán. Lần này tôi lấy lý do thích học toán từ nhỏ và làm đơn gửi lên thầy Toàn, Hiệu trưởng. Tôi có trình bày vài thành tích về toán hồi học ở phổ thông: năm lớp 9, lớp 10 (cấp III gồm 3 lớp 8, 9, 10 tương đương lớp 10, 11, 12 sau này) thi học sinh giỏi Toán ở trường, tôi đạt điểm cao nhất và năm lớp 10 được đi thi học sinh giỏi toàn quốc (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Kì thi đó, anh Viễn ở cấp III Hưng Yên được giải nhì, đứng đầu Toán vì không ai đạt giải nhất. Anh Nguyễn An Địch ở Hà Đông đạt giải nhất Văn. Tôi cũng đến trình bày và vận động mấy thầy, cô là giáo viên Sư phạm (10+1) Nam Định, trước kia, nay công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II: thầy Ba, phó phòng Tổ chức, cô Chuyển ở Khoa Kỹ thuật nông nghiệp và cả thầy Kháng (chồng cô Chuyển) là Bí thư Đảng uỷ Trường vì ở Nam Định tôi có học Ban Toán – Lý A, khoá I nhưng các thầy, cô đều ngại ngần và khuyên tôi ở lại Khoa.

          Lúc đó tâm trạng sinh viên Kỹ thuật công nghiệp đang có nhiều tâm tư, không được ổn định và đều có câu hỏi trong đầu: học Kỹ thuật công nghiệp là học những gì? Khoá I có tới 12 giáo viên cấp II, chưa kể tới một số bộ đội, cán bộ về học. Có anh đã là phó phòng giáo dục huyện, chuyên môn của Ty giáo dục, phòng giáo dục và một số là hiệu trưởng, hiệu phó. Trong số cán bộ tôi được biết, anh Khải giáo viên ở Ninh Bình đi cũng làm đơn xin sang Khoa Toán, ai xin chuyển khoa nữa thì không rõ.

          Tôi và anh Khải, Trường cho chuyển nhưng chỉ có anh Khải sang Toán học, còn tôi ở lại. Hai lý do chính làm tôi thay đổi ý định. Một là, ở thời điểm được giải quyết thì mọi tổ chức, đoàn thể đã ổn định vào nền nếp. Tôi đã sinh hoạt Chi bộ Đảng một thời gian (anh Khải chưa phải là Đảng viên), đã là cán bộ trong chấp hành Liên chi Đoàn Khoa. Mấy anh em trong chi bộ khuyên tôi thôi, không thì anh em hoang mang thêm vì nhiều sinh viên cũng muốn chuyển sang khoa khác. Lý do thứ hai là vì mới bắt đầu học năm thứ nhất nên chỉ có môn chung và cơ bản: Triết học, Nga văn, Giải tích, Hoá học, Hình học... chẳng thấy màu sắc của kỹ thuật nên học cũng hấp dẫn.

          Đến tận bây giờ thì sao? “Nỗi buồn Kỹ thuật công nghiệp” đâu có nguôi ngoai. Mấy anh em có may mắn được ở lại trường hoặc một số được về Sở Giáo dục hoặc Trung tâm lớn thì còn đỡ buồn chán. Đa số anh chị em về trường phổ thông, rồi vùng sâu, vùng xa mới thật xót xa. Không, không phải về chế độ, về đãi ngộ vật chất. Đó là điều đau lòng của sự nghiệp cá nhân, cái thất vọng, đớn đau về cách nhìn nhận của học sinh, của chính người làm công tác giáo dục về giáo viên Kỹ thuật công nghiệp. Đâu phải là nghe được, là phản ánh chung chung ngoài xã hội mà là chính họ nhận ra, thấy được từ chính dòng chảy cuộc đời mà họ đã “tắm”, đã “sống” trong đó. Họ là học sinh phổ thông đã được học Kỹ thuật công nghiệp, đã “thấy” các giáo viên Kỹ thuật công nghiệp, rồi họ lại “may mắn” là sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghiệp để rồi 4 năm sau họ trở thành mẫu người mà chính họ đã “thấy”, đã biết”. Họ đã trải qua, đã sống đầy đủ, trọn vẹn một vòng đời đào tạo để trở thành “sự nghiệp” gắn bó, có lẽ hết đời hoạt động của mình.

          Môn Lịch sử, mới chỉ ít học sinh đăng kí thi tốt nghiệp hoặc nhiều em bị điểm kém... mà báo chí, mà các “chuyên gia”, rất nhiều nhà lãnh đạo, rất nhiều người lên tiếng và còn đề ra các biện pháp uốn nắn, điều chỉnh. Nhưng môn Kỹ thuật công nghiệp thì sao? Một số năm đầu khi có môn Kỹ thuật công nghiệp ở trường phổ thông thì đã có nhiều nơi thực hiện: ai dạy Kỹ thuật công nghiệp mà chẳng được, thậm chí người bên xã hội cũng lên lớp đọc “bài giảng” trong sách giáo khoa là xong. Nếu có dịp thuận lợi, hoặc đúng đợt sinh viên Kỹ thuật công nghiệp về thực tập thì được ưu tiên, khoán cho từ tiết đầu đến khi đánh giá cho điểm vào sổ. Đợt đi thực tập cuối khoá đào tạo vào năm thứ tư, nhóm giáo viên Kỹ thuật công nghiệp chúng tôi có 3 người ở trường X, rất có tên tuổi của một tỉnh đã hoàn thành toàn bộ phần Động cơ đốt trong cho khối 9 ở trường, “may quá” trường không phải lo nghĩ gì về phân môn này nữa. Chúng tôi cũng cho học sinh thực hành mở máy chiếc máy xăng nhỏ, bảo dưỡng và cho chạy lại chiếc máy đi-ê-den đồ sộ của trường đã từng xay xát thuê để kiếm tiền nhưng đã nghỉ được vài năm, là gian nhà ngói xập xệ của xưởng suýt bị đổ ụp, phải vội vã theo lệnh hiệu trưởng dừng ngay lại và còn lau chùi, tháo lắp chiếc máy xăng nhỏ chẳng ai sờ tới trong kho vì nó được một đơn vị tặng cho trường làm mô hình nhưng chiếc máy này có thành thích rất lớn vì đã từng theo đơn vị để phục vụ chiếu bóng cho bộ đội ở Điện Biên Phủ.

          Rồi thì giáo viên Kỹ thuật nông nghiệp, Kỹ thuật công nghiệp phải gộp điểm của hai phần này thành một điểm chung... Rồi mỗi khi mạng điện, máy thu hình, tăng âm hỏng đều được gọi tới sửa chữa và tiếng phàn nàn tay nghề yếu đã làm khổ bao người. Cho đến khi máy thu hình, xe máy, thiết bị điện... dùng phổ biến từ thành thị đến nông thôn, dù Khoa đã giảm giờ lý thuyết, giờ thực hành để dành thời gian cho những môn mới thì dư luận đó mới lắng dịu. Khoa học kỹ thuật là THEN CHỐT sẽ làm cho đất nước tiến lên hiện đại, kinh tế phát triển, giá trị của đời sống được nâng cao. Nói là thế, đều rất đúng, rất hay mà sao thực hiện lại xa rời vậy, lại hoá ra THEN CHÓT. Khoa học, kỹ thuật quan trọng và cần thiết là thế mà sao từ ngày ra đời đến giờ đã chẳng có mà cũng chẳng thấy ai nói phải thi tốt nghiệp, phải thi đại học môn Kỹ thuật công nghiệp như môn Lịch sử nhỉ, buồn cười thật.

          Mấy khoá đầu, phần vì còn đang xây dựng chương trình, xây dựng cơ sở vật chất, phần vì chưa có giáo viên, nhiều tổ bộ môn còn chưa thành lập... nên sinh viên Kỹ thuật công nghiệp phải học rất nặng, có thể nói vất vả nhất trường. Khoá I, thời khoá biểu lên lớp ở năm thứ hai, kì I năm thứ tư về lý thuyết còn nhiều ngày phải học cả hai buổi. Việc học 1 buổi lý thuyết, 1 buổi thực hành trong một ngày đã thực hiện tường xuyên từng đợt, hoặc thực hành cả ngày liên tục một đợt 6, 7 tuần liền (8 giờ một ngày như công nhân làm việc trong nhà máy hồi ấy). Các khoá tiếp sau (nếu không nhầm từ khoá thứ III), hết năm thứ ba còn đi thực tập sản xuất ở nhà máy sửa chữa ô tô cũng 6, 7 tuần liền cả ngày. Còn việc ăn trưa khi đi nhà máy thì sao? Mấy năm đầu sau khi thống nhất đất nước, kinh tế còn chưa thật gay go thì nhà máy cho báo cơm ở nhà ăn của họ, chỉ phải thanh toán tiền và tem gạo nhưng sau do kinh tế khó khăn, không báo ăn cùng công nhân được, Khoa đề nghị Trường giải quyết bằng cách: đổi bữa ăn trưa thành ăn sáng cho sinh viên đi nhà máy thực tập. Thế là một bộ phận nhà ăn phải làm việc từ sớm cùng sinh viên, còn sinh viên người thì ăn từ sáng, người thì mang cơm đi; mà cơm có mấy đâu, phần nhiều là bo bo và bột mì nắm rồi đem luộc. Việc đi lại thì hoặc bằng xe buýt hoặc phải chuẩn bị xe đạp riêng từ trước. Đến 1985 – 1986, học có phân ban mới không đi thực tập nhà máy nữa.

          Những năm tháng đầu tiên, một số cán bộ đi học đã có nhiều đóng góp công việc cho Khoa như công tác tuyển sinh, chuẩn bị cho sơ tán và nhất là tổ chức, quản lý học thực hành, thực tập.

          Tiếp đón sinh viên khoá II nhập trường, anh Vũ Văn Đống đã cùng cán bộ của Khoa làm rất tốt. Một số em cứ gọi thầy Đống mãi, sau mới biết chú ấy là sinh viên khoá I.

          Khi chuẩn bị đi sơ tán lên Quốc Oai hồi tháng 4/1972, chúng tôi, một số Đảng viên là cán bộ đi học của khoá I và khoá II đã được Khoa cử đi liên hệ với địa phương xa như: Ngọc Than, Ngọc Mỹ. Sau kì 1 thì khoá I chúng tôi xuống xưởng thực hành tập trung cả ngày khoảng 2 tháng. Chưa vào học kì thì phải đi sơ tán. Trước đó, một số buổi chúng tôi đã đạp xe lên Quốc Oai liên hệ và xin giúp đỡ nơi đặt lớp học, bếp ăn, nhà để giáo viên, cán bộ và các nhà cho sinh viên ở nhờ. Bố trí rồi lập danh sách phân tới từng nhà cho Khoa. Khoá I ở mấy xóm sát đê, khoá II ở phía trong, gần với thị trấn huyện. Ở đó mấy hôm để chuẩn bị và sắp xếp rồi bước vào kì II của năm thứ II. Một chiều Khoa tổ chức liên hoan mời cán bộ địa phương, đại diện các gia đình cho ở nhờ và để chia tay sinh viên sắp nhập ngũ đợt II, tháng 5/1972. Liên hoan vui vẻ và diễn ra khá lâu. Sáng hôm sau thì giờ học đầu tiên của kì 2 được thực hiện ở trong đình (chùa). Tôi và mấy người đã có quyết định nhập ngũ đi loanh quanh ngoài lớp và lang thang trên đường làng một lúc rồi đạp xe về cơ sở Cầu Giấy để mấy ngày nữa sẽ chính thức lên đường.

          Tổ chức và quản lí học thực hành là đóng góp có lẽ có ý nghĩa với giá trị nhất của cán bộ đi học. Thầy Thanh Chủ nhiệm Khoa đặc biệt chú ý công việc này nhất là đợt thực hành đầu tiên, thầy bao giờ cũng về nhà bằng chuyến xe buýt cuối cùng. Chập tối, thầy hay đến phòng ở của tôi và anh Đống, cũng nhiều buổi thầy gọi mấy cán bộ lớp và cán bộ Đoàn tới cùng trao đổi: cách tổ chức, sắp xếp quản lí ra sao cho học việc học thực hành đạt kết quả. Thầy đề nghị chi bộ sinh viên lên kế hoạch. Chúng tôi phân nhóm, phân tổ sao cho cân đối giữa người học khá và yếu, nam và nữ, sức khoẻ tốt và kém cùng cán bộ phụ trách. Cử trực nhật, trực bạn, từng ngày, từng tuần để đóng mở, cổng Khoa, ghi tên người đến chậm và vắng mặt, đáng kẻng báo giờ học, giờ giải lao, giờ tan buổi. Theo dõi tinh thần thái độ học tập, những trục trặc, những đề xuất phải xử lý. Tổ chức nhóm (có hiểu biết ít nhiều về băng bó, thuốc thang) phụ trách sơ cứu, xử lý ban đầu khi có tai nạn lao động... Tóm lại, mọi thứ chuẩn bị và thực hiện đều đi tới kết quả cho hai vấn đề lớn sau:

– Học tập, rèn luyện và làm việc dưới xưởng thực hành theo đúng tác phong, tinh thần, kỷ luật của lao động công nghiệp. 

– Rèn luyện kỹ năng, chú ý các thao tác kỹ thuật và triệt để làm theo; đồng thời mạnh dạn đề xuất sáng kiến, kinh nghiệm giải quyết công việc trong thực hành hoặc làm ra sản phẩm.

Cuối đợt thực hành đã có báo cáo tổng kết đánh giá của từng người, của tập thể khá toàn diện, chi tiết cụ thể và những kinh nghiệm, đề nghị chú ý và cải tiến cho lần sau.

Sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghiệp nhiều khoá, số lượng nam so với nữ thường đông hơn các khoa khác, sức khoẻ cũng khá tốt. Vì vậy, những đợt lao động xã hội chủ nghĩa, những đợt lao động lớn anh em đều hoàn thành tốt. Đợt chống lũ, hàn đê ở Cống Thôn (khoảng đối diện với nhà máy Diêm, gỗ Cầu Đuống) năm 1971; nhất là đợt tham gia làm phòng tuyến sống cầu hồi chiến tranh 1979, Liên chi Đoàn Khoa Kỹ thuật công nghiệp đã có những đóng góp rất đáng tự hào. 

Sức khoẻ tương đối tốt nên hoạt động thể thao cũng rất thành công, ngay từ những khoá đầu, đội tuyển bóng đá của Khoa đã nổi tiếng trong Trường. Bạn Hồng (sinh viên khoá II) và một vài bạn khác ở khoá I, khoá II là những thành viên nòng cốt trong đội tuyển trường và sau này, cho đến các khoá của những năm 80, 90 của thế kỉ trước thì đội tuyển bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam, bóng đá nam là những đội mạnh nhất, nhì của Trường.

Đừng tưởng sinh viên Khoa Công nghiệp chỉ mạnh chân, khoẻ tay, tay kìm tay búa mà thôi, ngoài thể dục, thể thao là thế mạnh, trong Khoa cũng lắm nhân tài về âm nhạc, về mỹ thuật, nổi trội ở trong Trường là điều chắc chắn.

Ngay từ khoá I, năm học 1970 – 1971, sinh viên hai lớp Kỹ thuật công nghiệp ở tầng 1 nhà B2, 1 phòng ở giữa là phòng của giáo viên; các tầng trên của B2 là phòng của một số giáo viên và sinh viên Khoa Toán. Cứ đầu các buổi tối hoặc giờ giải lao trong giờ tự học ban tối là tiếng kèn clarilet của Tuấn, tiếng đàn ghi ta của Khanh Hà Nội, rồi thêm tiếng ac-cooc-đê-ông của thầy Phóng (dạy Nga văn) ở phòng bên cạnh sang... làm váng động cả khu nhà B. Các buổi sau còn thêm mấy thầy cùng mấy sinh viên khác của Khoa Toán cũng đến góp vui và sau đó như thành thông lệ, giữa giờ học là có mấy chục phút đàn hát sôi nổi, phát ra từ cái phòng sát cầu thang đằng tây, tầng 1 nhà B2 của sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghiệp là chủ. Rồi khoá II, có Hoàng Hương Duyên (nữ sinh viên) cây đàn ac-cooc nổi tiếng của Trường và mấy danh ca (không chỉ cây văn nghệ của Khoa mà còn là cây văn nghệ của đội văn nghệ Trường) như anh Nguyên chẳng hạn. Trong suốt thời gian học ở trường thì Tuấn (kèn), Hương Duyên, Nguyên... đều là nhạc công, danh ca nòng cốt của văn nghệ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II.

Các khoá sau này thì có các “cây” vọng cổ, cải lương, múa hát làm nên các buổi văn nghệ của Khoa rất thành công và được Trường đánh giá cao.

Trước kia, có hai dãy xưởng khá lớn của Khoa Kỹ thuật công nghiệp và của xưởng in Trường ở đầu 2 nhà xưởng là bảng xi măng sơn đen rất dài. Ngay từ năm học 1970 – 1971 cho đến khi xưởng được phá đi, tôi thường xuyên kẻ khẩu hiệu ở đó cho Khoa trong các dịp lễ, tết. Cũng có chút hoa tay và kẻ, cắt chữ tốt nên các công việc trang trí, khánh tiết, hoặc làm triển lãm cho Khoa, cho Trường tôi đều có đóng góp công sức. Năm tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần đầu tiên sau thống nhất đất nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II chúng ta cũng có một gian triển lãm tại công viên thống nhất để chào mừng Đại hội, anh Trợ (hoạ sĩ ở phòng tuyên huấn Trường), tôi và mấy cán bộ thường trực của Đoàn trường, một anh nữa ở khoa khác đã cùng nhau làm nên gian triển lãm đó.

Quốc khánh 2/9 đầu tiên ngay sau chiến thắng, thống nhất đất nước và khánh thành Lăng Hồ Chí Minh, Nhà nước tổ chức cuộc duyệt binh rất lớn. Tôi không biết do được phân công hay xung phong nhận, Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II được giao làm một chiếc mô hình là huy hiệu Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam để diễu hành qua lễ đài. Một chiều, anh Lượng, Bí thư Đoàn trường và anh Vĩnh, chuyên trách Đoàn trường, gọi tôi cùng đến tổ Mộc của Trường. Anh Lượng đưa cho mấy anh tổ Mộc giấy của lãnh đạo cho xuất mấy tấm gỗ dán và các thanh gỗ, đủ dùng làm mô hình huy hiệu Đoàn, đồng thời đề nghị mấy anh thợ giúp cho phần mộc. Mấy anh em khiêng mấy tấm gỗ dán ghép trên nền xưởng thành một mảng rộng. Tối cầm huy hiệu Đoàn và bút chì rồi ước lượng và phóng đại bằng mắt, vẽ huy hiệu ở phần kích thước trên gỗ. Phần cắt, đóng hộp thành mô hình có hai huy hiệu hai bên và giá đỡ đặt khiêng cho các anh thợ của xưởng mộc làm. Xong phần mộc, chúng tôi mang về dựng ở sân đất giữa hai nhà G3 và G4 và dựng giàn, che bạt, che cót lên. Đến lượt tôi kê bàn, bắc thang vẽ đầy đủ và kẻ chữ hoàn chỉnh; sau đó tôi và anh Vĩnh hằng ngày lúc nào rỗi thì kẻ chữ, quét sơn... Mang mô hình về dựng ở sân G3, G4 là để tiện cho chúng tôi làm việc, tôi thì ở nửa gian (G3) quay về hướng Bắc, anh Lượng và Vĩnh thì ở nhà G4 quay về hướng nam, chẳng ai bảo ai, cứ nhìn việc mà tự làm và trông coi.

Sát đến ngày chuyển mô hình đi, một sáng anh Lượng, anh Vĩnh, chị Thảo (chị Phó Bí thư Đoàn trường và là em ruột vợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) cùng mấy anh chị nữa mà anh Lượng giới thiệu là ở trên Thành đoàn Hà Nội cùng nhau mở bạt xem xét. Sau đó, mọi người đến phòng tôi, người đứng trong nhà, người ngồi trên giường và đứng ngoài hiên chuyện trò. Chị Thảo ra quán nước mua ấm chè, mấy điếu thuốc lá, cùng mấy thanh kẹo lạc, mấy chiếc kẹo dồi về để mọi người vừa nói chuyện, vừa ăn mừng, rất là vui.

Cũng để chào mừng thắng lợi, thống nhất đất nước, anh Trợ ở phòng Tuyên huấn tổ chức một đợt thi vẽ tranh trong toàn cán bộ, sinh viên của Trường và mở triển lãm nhỏ. Tôi cũng tham gia nhưng chỉ là giải động viên, khuyến khích, còn ở khoá II có Phạm Luận cũng tham gia. Phạm Luận vẽ rất tốt được giải nhất với bức “Bác Hồ trồng cây”.

Khoá II còn có Mỹ, cũng có hoa tay. Một lần lên Việt Trì công tác, tôi có đến nhà Mỹ ở khu tập thể giáo viên trường chuyên của tỉnh, đã thấy tranh và tượng của Mỹ. Mỹ còn cho biết đã mở lớp dạy vẽ cho học sinh. 

Năm 1999 gặp nhau, Luận cho biết hai vợ chồng đã sang Hồng Kông mở triển lãm tranh của mình và còn nói sẽ sang châu Âu và Mỹ để giới thiệu tranh tới công chúng Âu, Mỹ. Mấy năm sau trên một số tạo chí Mỹ thuật, tôi được đọc bài bình về tranh của Luận và còn đọc được một danh sách trong đó có tên Luận. Danh sách những hoạ sĩ có tên tuổi với địa chỉ nhà riêng cụ thể cho du khách nước ngoài và Việt kiều tìm tới xem tranh. Rồi trên tivi đã có mấy buổi phát phóng sự về Luận và về tranh của Luận.

Đó là mấy người mà tôi biết khá rõ, còn nhiều sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghiệp khác cũng rất thành danh trong các lĩnh vực khác hoặc đi lên thành tài từ gốc gác các chuyên ngành của Kỹ thuật công nghiệp. 

Hà Nội, 21 – 23/9/2015

Hoàng Minh Tác (cựu sinh viên khóa 1 - K20)

Hình ảnh kỷ niệm

Hình ảnh hiện nay

Liên hệ

Khoa Sư phạm Kỹ thuật là đơn vị đầu ngành đào tạo giáo viên Sư phạm Công nghệ trên cả nước. Tới năm 2024, Khoa là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước có CTĐT Sư phạm Công nghệ được kiểm định và đạt chuẩn kiểm định.

  • Địa chỉ: 136, Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
  • Điện thoại: 024.3754.4994 | 0916.524.425
  • k.spkt@hnue.edu.vn

Về chúng tôi

Khoa Sư phạm Kỹ thuật, với truyền thống 53 năm hình thành và phát triển, là cơ sở đầu ngành đào tạo giáo viên Công nghệ - giáo dục STEM, đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Kĩ thuật Công nghiệp. Khoa là đối tác tin cậy với các trường phổ thông trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm kỹ thuật, trải nghiệm STEM, bồi dưỡng chuyên môn Công nghệ và STEM cho giáo viên phổ thông.