Giới thiệu khoa Sư phạm Kỹ thuật
Khoa Sư phạm Kỹ thuật (tiền thân là Khoa Kỹ thuật Công nghiệp) được thành lập theo Quyết định số 445/QĐ ngày 22/7/1970 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, với sự cống hiến của nhiều thế hệ các nhà giáo, Khoa SPKT đã đạt được nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ giáo viên kỹ thuật, công nghệ, các nhà nghiên cứu cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Theo chiều dài lịch sử kể từ khi thành lập, Khoa SPKT được phát triển theo 5 giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu của đào tạo giáo viên kĩ thuật, công nghệ và bối cảnh của đất nước. Trong đó, có 2 giai đoạn lớn là: đào tạo giáo viên Kỹ thuật công nghiệp cho các trường THPT và các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp – Dạy nghề (1970-2018) và đào tạo giáo viên Công nghệ - Giáo dục STEM ở THCS và THPT hoặc giáo viên Công nghệ - Giáo dục STEM ở THCS và GV dạy nghề thuộc một trong hai lĩnh vực Điều khiển – tự động hóa và Công nghệ IoT (2018-nay).
Trong nhiều năm, SV của Khoa SPKT đã tham gia cuộc thi Robocon khu vực phía Bắc. Từ năm 2014, Khoa đã thường niên tổ chức cuộc thi Sáng tạo Robot cho SV trong Khoa, và coi đây là một trong những hoạt động trải nghiệm kỹ thuật thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa cũng là điểm đến của các hoạt động trải nghiệm kỹ thuật cho học sinh của nhiều trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Năm 2020, đánh dấu 50 năm xây dựng và phát triển của Khoa SPKT, cuộc thi Sáng tạo Robot thường niên đã được nâng cấp thành cuộc thi cấp Trường mang tên: HNUE – Sáng tạo Robot 2020.
Khoa SPKT đã và đang là đối tác tin cậy với nhiều tổ chức giáo dục STEM, giáo dục kỹ thuật như Teky, KDI, EBC... và là nơi tổ chức hoạt động trải nghiệm kĩ thuật, công nghệ đối với học sinh từ cấp tiểu học tới trung học. Nhiều trường phổ thông công lập cũng như tư thục đã gửi học sinh tới hoạt động trải nghiệm tại Khoa SPKT như Vinschool, Nguyễn Siêu, THPT Chuyên ngữ (ĐHQGHN), THPT, Tiểu học Nguyễn Tất Thành (ĐHSPHN), THPT Yên Hòa...
Khoa SPKT đã từng chủ trì đào tạo cử nhân cao đẳng ngành Công nghệ thiết bị trường học nhằm đào tạo viên chức làm công tác thiết bị trường học cho nhà trường phổ thông (2006-2015); hiện đang đào tạo ThS, TS chuyên ngành Lí luận và PPDH bộ môn Kỹ thuật công nghiệp (từ 1993-nay). Khoa đã đào tạo được 58 TS, gần 400 ThS chuyên ngành này. Trong nhiều năm, với sự giúp đỡ của TS Nguyễn Văn Cường – nguyên GV của khoa, đội ngũ các nhà khoa học của Đại học Potsdam, Cộng hoà Liên bang Đức đã đến hợp tác, trao đổi, đào tạo sau đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nâng cao vị thế của Khoa. Khoa cũng đã chủ động đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài thông qua các hoạt động tiếp xúc, giao lưu SV.
Hiện tại khoa có 3 bộ môn: (1) Công nghệ Cơ khí – Động lực; (2) Công nghệ Điện – Điện tử; (3) Lí luận và PPDH Công nghệ.
Nhiều GV của khoa đã tham gia xây dựng và làm chủ biên chương trình môn Công nghệ phổ thông, chủ biên và tác giả sách giáo khoa, sách giáo viên, tham gia biên soạn tài liệu và tập huấn bồi dưỡng giáo viên phổ thông triển khai chương trình mới, triển khai giáo dục STEM...
Khoa có nhiệm vụ Đào tạo giáo viên Công nghệ - giáo dục STEM có trình độ Đại học, đào tạo nâng chuẩn giáo viên Công nghệ THCS từ trình độ Cao đẳng lên Đại học bằng các hình thức Liên thông, Từ xa, Tại chức. Biên soạn giáo trình giảng dạy cho các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, sách giáo khoa môn Công nghệ cho các bậc Tiểu học, THCS và THPT. Đào tạo TS, ThS thuộc chuyên ngành Lí luận và PPDH bộ môn Kĩ thuật công nghiệp. Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Công nghệ.
Cùng với đào tạo, hoạt động NCKH của Khoa cũng không ngừng được phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Số lượng các bài báo, sách tham khảo đặc biệt các công trình nghiên cứu phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình 2018 cũng tăng dần trong những năm gần đây. Khoa đã tổ chức 02 hội thảo cấp Quốc gia về đào tạo giáo viên Công nghệ đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Khoa cũng đã có những chương trình ký kết hợp tác và giao lưu với nhiều đơn vị hợp tác tuyển dụng lao động như Samsung, KDI, …. và đã có những kết quả nhất định; SV của khoa NCKH và vận dụng kĩ thuật để tham gia các cuộc thi sáng tạo robot từ cấp khoa đến cấp trường và các đơn vị ngoài trường tổ chức.
Năm 2024, khoa SPKT là cơ sở đào tạo giáo viên Công nghệ đầu tiên trong cả nước có chương trình đào tạo Sư phạm Công nghệ được kiểm định chất lượng, và đạt chuẩn chất lượng ở mức cao.