Hội thảo khoa học cán bộ khoa SPKT
Trong không khí náo nức, vui tươi của tuần lễ nghiệp vụ sư phạm, chiều ngày 20/11/2024 – đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam, khoa SPKT tổ chức Hội thảo khoa học của cán bộ. Đây là dịp để thầy cô trong khoa chia sẻ kết quả những nghiên cứu, những kinh nghiệm và vấn đề đang quan tâm, thảo luận, định hướng cho những vấn đề nghiên cứu sắp tới. Diễn đàn này, cũng là nơi để các giảng viên, từ các bộ môn với chuyên môn khác nhau, chia sẻ và hiểu thêm về hướng nghiên cứu của cá nhân và bộ môn khác, từ đó, có thể nảy sinh ý tưởng hợp tác liên lĩnh vực, hoặc cũng có thể học hỏi được những thông tin bổ ích, có giá trị.
Ban tổ chức lựa chọn 4 báo cáo để chia sẻ, thảo luận trực tiếp tại hội thảo. Mở đầu là PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh chia sẻ một số vấn đề về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên công nghệ phổ thông thực hiện CTPT 2018. Với kinh nghiệm nghiên cứu và triển khai tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới, thầy Khanh đã lưu ý một số vấn đề trọng tâm để phát triển chuyên môn và bồi dưỡng tập huấn GV hiệu quả. Báo cáo của ThS Phạm Khánh Tùng đề cập tới việc sử dụng một số thuật toán khác nhau ứng dụng AI để xử lí ảnh, thông qua ví dụ cụ thể về nhận diện hoa Iris. Báo cáo đã phân tích và đánh giá ưu nhược điểm của một số thuật toán được áp dụng như cây quyết định, hàng xóm lân cận gần nhất, naive bayes trong những bối cảnh cụ thể để lựa chọn thuật toán phù hợp nhất. TS Nhữ Thị Việt Hoa trình bày báo cáo về kiểm định giáo dục đại học. Trên cơ sở tiếp cận các nguyên tắc đánh giá, báo cáo lưu ý tới cơ sở đánh giá, quá trình thực hiện. Những thông tin này giúp cán bộ, viên chức khoa hiểu rõ hơn về việc đánh giá chương trình đào tạo, với những trải nghiệm đã thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài CTĐT SP Công nghệ vừa qua. Cuối cùng là báo cáo của PGS.TS Nguyễn Hoài Nam về trải nghiệm công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Với tư cách là tác giả liên hệ trong 2 bài báo được xuất bản trong năm 2024 trên 2 tạp chí uy tín là Education 3-13 thuộc Nxb Taylor&Francis (Q2 Scopus, ESCI WoS), International Journal of Technology and Design Education thuộc Nxb Springer (Q1 Scopus, Q3 SCIE WoS), thầy Nam chia sẻ những kinh nghiệm của cá nhân trong quá trình tìm tạp chí, viết và gửi bài, trả lời phản biện và xuất bản. Những kinh nghiệm này rất hữu ích không chỉ đối với những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục, mà còn phù hợp với các nghiên cứu hướng tới công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín, thuộc các nhà xuất bản có uy tín.
Một số hình ảnh tại hội thảo: