Cuộc thi sáng tạo Robot 2023 do trường Đại học Sư phạm cùng công ty cổ phần giáo dục KDI tổ chức diễn ra tại khuôn viên nhà thi đấu trường đại học Sư phạm Hà Nội ngày 14/5.

Từ sáng sớm khuôn viên nhà thi đấu đã rộn ràng âm thanh nói cười, phủ màu áo đồng phục các đội thi đấu. Theo bố trí từ ban tổ chức, thời gian buổi sáng dành cho sản phẩm dự thi của học sinh khối trung học và buổi chiều thuộc về khối tiểu học.

Với khối trung học, chủ đề “RoboEdu- Niềm tin chiến thắng” yêu cầu các đội chơi thiết kế và điều khiển robot hoàn thành các nhiệm vụ, vượt qua các thử thách. Cụ thể ở đây, Robot sẽ nhận yêu cầu từ các lớp học và giúp vận chuyển sách cùng tài liệu từ thư viện đến các tòa nhà cho học sinh đồng thời giúp đưa đón các đội thi từ các tòa nhà đến không gian sáng chế để chế tạo robot. Hành trình này sẽ có những thử thách kĩ thuật đặt ra đòi hỏi mỗi đội thi có giải pháp vượt qua. Thời gian tối đa cho mỗi trận thi đấu kéo dài tối đa 3 phút.

Hoàn thiện những phần việc cuối cùng chuẩn bị cho phần thi đấu của đội mình, Vũ Trí Cường, học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Tất Thành chia sẻ em từng học một lớp chế tạo robot vào mùa hè. “Em học được kiến thức như nối mạch điện, hàn dây và lắp ghép cơ khí. Con robot lần này nhóm em chế tạo có thể di chuyển, nâng tay cầm và gắp đồ”, Cường cho biết.

Nhóm thi của Cường gồm 3 thành viên. Với kiến thức khá cơ bản, Cường thực hiện phần việc mạch điện và lập trình.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn Vật lí, phải mất hơn một tháng cùng nhiều lần thử sai, cuối cùng sản phẩm “Robot gắp” của nhóm Cường đã đủ khả năng tham gia thi đấu đã kịp hoàn thiện cho cuộc thi lần này.

Phụ trách phần khung, Nguyễn Minh Đăng cùng nhóm sản phẩm "Robot gắp" chia sẻ, em vẫn thường tự mày mò với trò chơi lắp ghép, em còn tham gia một vài câu lạc bộ khoa học và STEM và những nghiên cứu khoa học ứng dụng thuộc về niềm đam mê, yêu thích của em.

Sản phẩm của trường Tiểu học và Trung học Cơ sở FPT Cầu Giấy được nhiều nhóm dự thi đến thăm quan bởi nổi trội về thiết kế và sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Phạm Nguyên Khang, học sinh lớp 8 đồng thời giữ vị trí trưởng nhóm cho biết việc tập hợp các thành viên tham gia thi đều xuất phát từ đam mê với Robot. Là ngôi trường có thế mạnh về đào tạo công nghệ, hầu hết học sinh FPT đều được tiếp xúc, tìm hiểu về Robot từ lớp 6.

Việc tham gia giải với Khang và các bạn trong nhóm không phải lần đầu nhưng ở một cuộc thi quy mô lớn và chuyên nghiệp như “Robo Edu 2023”, cả 5 thành viên khá áp lực. Tuy nhiên, những trải nghiệm suốt một tháng làm việc nhóm để ra sản phẩm thực sự đáng nhớ và cũng ghi nhận sự trưởng thành về kiến thức, kĩ năng xử lí tình huống cho mỗi thành viên.

Nhìn một lượt nhà thi đấu, phải khẳng định sân chơi kĩ thuật, công nghệ vẫn nghiêng về các học sinh nam. Tuy nhiên, ở một vài đội chơi, các bạn nữ xuất hiện ở vị trí trưởng nhóm. Trần Minh Trang, học sinh lớp 11A4 trường THPT Yên Hòa, Hà Nội có sẵn đam mê về mô hình và bản thân lựa chọn học ban A nên việc tìm hiểu cũng như tạo ra sản phẩm công nghệ giống như một thử thách đầy thú vị với cô nữ sinh này. Cá nhân Trang ấn tượng với sản phẩm của các em khối tiểu học bởi sự phát triển vượt bậc về thiết kế cũng như vận hành.

"Thành phố thông minh-Vận chuyển thông minh" là chủ đề của khối tiểu học năm nay. Nhiệm vụ các robot phải thực hiện sẽ gồm chuyên chở khách an toàn, nhanh chóng giữa các điểm du lịch nổi tiếng như Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long. Yêu cầu Robot di chuyển theo những làn đường cho phép, trường hợp làm đổ tường bao sẽ bị trừ điểm. Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, robot sẽ nạp nhiên liệu bằng cách mang theo khối hộp màu đen trong quá trình di chuyển đến đích. Với nhiệm vụ này, đội các trường tiểu học đã nỗ lực trong việc đa dạng hóa hình thức biểu hiện trên mỗi sản phẩm robot cũng như sử dụng những phương thức di chuyển đảm bảo khung thời gian tối đa 3 phút cho thử thách đặt ra trên sàn đấu.

Thầy Nguyễn Sơn An, thành viên tổ trọng tài đồng thời là giáo viên STEM của công ty cổ phần giáo dục KDI nhận xét học sinh hiện nay có được thuận lợi khi tiếp xúc với công nghệ từ sớm nên khi bắt tay vào thiết kế robot khá nhanh và sáng tạo.

"Mỗi đội đem đến cuộc thi một nét đặc sắc riêng, đội này cơ cấu hay, đội kia vận hành tốt. Thực ra tôi coi đây không đơn thuần là công việc mà còn học được ở chính các bạn trẻ ngồi trên ghế nhà trường nhiều điều bổ ích”, thầy Sơn An chia sẻ.

Học sinh phổ thông tham gia cuộc thi robot, góp phần để học đi đôi với hành

Ông Đặng Anh Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần giáo dục KDI khẳng định đây là sân chơi đầy hứng thú và khơi dậy tính sáng tạo của học sinh. Từ những lớp STEM ngay tại trường do công ty tổ chức đã giúp học sinh tích hợp kiến thức với thực hành. Cuộc thi này theo ông Mai như một cách thức để học sinh thể hiện những kiến thức đã học, thực hành những kĩ năng làm việc nhóm, lãnh đạo cùng việc duy trì đam mê khám phá năng lực bản thân.

“Giải quyết một vấn đề đặt ra trên cơ sở kiến thức, kĩ năng đã được đào tạo thực ra mới chính là mục tiêu giáo dục hướng tới. Và sân chơi hôm nay chúng tôi cùng trường Đại học Sư phạm tạo ra thực ra đã hiện thực hóa mục tiêu này khi dạy STEM cho học sinh. Ở góc độ khác, đây cũng đáng được coi như một hình thức hướng nghiệp cho các em”.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng khoa Sư phạm Kĩ thuật, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đơn vị được giao phụ trách chính cuộc thi lần này cho biết từ một cuộc thi mang tính nội bộ cho sinh viên năm 2014, cuộc thi đã dần trở thành hoạt động thường niên, mở rộng và thu hút đông đảo học sinh phổ thông tham gia bởi sức hấp dẫn từ chủ đề mỗi lần tổ chức, đòi hỏi người chơi không ngừng tìm tòi, vận dụng kiến thức, kĩ năng trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ và toán để giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo nhất. Khi có thêm sự tham gia đồng hành từ doanh nghiệp công nghệ giáo dục KDI, cuộc thi đã mở rộng thêm nhiều trường phổ thông ngoài Hà Nội nhằm phát triển mạnh hơn giáo dục STEM trong các nhà trường.

Đây là năm đầu tiên quy mô cuộc thi mở ra với khối tiểu học khi xu thế điều khiển và tự động hóa cũng như ứng dụng các thành tựu về kĩ thuật, khoa học đã và đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ với lứa tuổi này.

“Khi có thêm khối tiểu học thì có sự điều chỉnh về chủ đề để phù hợp lứa tuổi. Ví dụ như khối phổ thông chủ đề đặt ra là vượt qua thử thách, lấy cảm hứng từ những cuộc thi đã rất thành công trong nội bộ khoa. Tuy nhiên với các con tiểu học lại phải gắn với những xu hướng gần gũi với các con như thành phố thông minh”, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Việc chuẩn bị chu đáo góp phần quyết định cho thành công của cuộc thi. Riêng cuộc thi lần này, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo nhằm phân công tác nội dung cụ thể, chi tiết nhất đảm bảo khi khớp nối các khâu đáp ứng yêu cầu cao nhất về chất lượng, sáng tạo cũng như an toàn của cuộc thi. Những buổi tập huấn cho các đội cũng được thực hiện suốt quá trình chuẩn bị nhằm giúp ban tổ chức hoàn thiện việc ra đề thi sát với năng lực, thực tế từng nhóm đối tượng dự thi. Kinh nghiệm từ những mùa thi trước cũng tạo nên thành công cho “RoboEdu 2023”.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba, 8 giải khuyến khích chia đều cho hai bảng tiểu học và trung học.

Ở bảng tiểu học, giải Nhất thuộc về Trường Tiểu học thực hành Nguyễn Tất Thành, ROBOHUB giành giải Nhì, giải Ba thuộc về Trường Tiểu học Tràng An và Tiểu học Lý Thái Tổ, trao hai giải khuyến khích cho Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng- Hải Phòng và Tiểu học An Dương Vương cùng Tiểu học Đa trí tuệ-MIS.

Ở bảng Trung học, giải Nhất và 2 giải Ba thuộc về Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, giải Nhì thuộc về THCS Chu Văn An- Long Biên, giải Khuyến khích được trao cho THCS Quang Trung của Nghệ An; Trường liên cấp Tiểu học vàà THCS Ngôi Sao Hà Nội; Trường Delta Global School và trường Olympia.

Ngoài ra còn có thêm 4 giải trao cho các hạng mục cụ thể khác như phong cách thi đấu, giải pháp sáng tạo, tinh thần đồng đội và ngôi sao triển vọng.